“Loạn” thị trường thang máy: bán xong là “chuồn”
Ham rẻ mà an toàn tính mạng của người sử dụng bị đe dọa, nhiều sự cố gây chết người vì thang kém chất lượng...
Với chi phí lắp đặt chỉ bằng 1/3 so với thang nhập ngoại, nhiều người đã ham rẻ chọn các loại thang máy kém chất lượng mà quên đi an toàn tính mạng của người sử dụng.
“Ăn bớt sự an toàn”
Hiện nay, thang máy được sử dụng phổ biến không chỉ ở các tòa nhà cao tầng mà ngay cả trong những căn nhà dân chỉ cao 5,6 tầng hay biệt thự. Theo một khảo sát thị trường mới đây của một công ty sản xuất thang máy Việt Nam, thị trường thang máy Việt Nam trong năm 2012 là khoảng hơn 1000 chiếc. Với khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất thang máy trong nước, việc đáp ứng nhu cầu không khó. Tuy nhiên hầu hết các công ty sản xuất thang máy nội địa lại không có quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn.
Bên cạnh những thương hiệu thang máy nổi tiếng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như Mitsubishi (Nhật), Schindler (Thụy Sĩ), Thyssenkrupp (Đức), Otis (Mỹ), KONE (Phần Lan), Hyundai (Hàn Quốc),… thì thị trường còn xuất hiện một bộ phận những loại thang máy không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được sử dụng rất nhiều tại các văn phòng, khách sạn tư nhân nhỏ.
Với chi phí lắp đặt loại thang này chỉ bằng 1/3 so với các loại thang nhập ngoại, nhiều chủ đầu tư đã ham rẻ mà bỏ qua sự an toàn của người sử dụng. Loại thang máy được tự thiết kế và sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào cả, tính năng an toàn, các thông số đo độ rung lắc, khả năng tải của thang máy đều bị “biến tấu” đi và sai lệch.
Ông Nguyễn Hải Đức, giám đốc Công ty cổ phần Gama Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ về thang máy cho biết, những tai nạn về thang máy xuất phát chủ yếu là do hệ thống an toàn của thang máy có vấn đề, chứ nếu được lắp đặt, bảo trì đầy đủ thì sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề này.
Với một chiếc thang máy đáp ứng đầy đủ thông số an toàn, nó phải chạy rất êm và không có hiện tượng rung lắc, không có hiện tượng giảm áp khi đi lên cao. Việc vận hành thang cũng khó khăn hơn, vì chỉ cần gặp một sự cố nhỏ là nó sẽ lập tức ngừng để bảo đảm an toàn cho khách. Chính vì khó chạy như vậy nên nhiều công ty lắp đặt đã “ăn bớt” hệ thống an toàn để chiếc thang dễ vận hành hơn, lại vừa giảm chi phí, các dịch vụ bảo trì thang máy cũng bị cắt giảm triệt để.
“Hệ thống an toàn của thang máy cũng giống như phanh ô tô, thiếu nó thang vẫn hoạt động bình thường nhưng khi gặp sự cố thì cũng giống một chiếc xe không phanh.”, ông Đức nhận định.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do sự cố về thang máy. Điển hình như sự cố chết người tại chung cư CT3 Constrexim (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hay gần đây nhất là vụ người lao công thuộc trường cao đẳng Công nghệ thông tin cũng bị thang máy kẹp chết.
Bán xong là “chuồn”?
Quy trình lắp đặt một chiếc thang máy không đơn giản. Sau khi đảm bảo các thông số kỹ thuật và đem vào sử dụng, thang máy cũng cần được bảo trì liên tục thì mới hoạt động ổn định cũng như độ an toàn.
Tuy nhiên, ngoại trừ khoảng 10 doanh nghiệp về thang máy hàng đầu ở Việt Nam, thì đại đa số các doanh nghiệp còn lại trong số 300 doanh nghiệp kinh doanh thang máy chỉ đơn thuần là làm nhiệm vụ bán thang, sau đó thuê các đơn vị khác lắp đặt, sửa chữa, bảo trì. Phần lớn các đơn vị này cũng không có sự kiểm soát về chất lượng với nhau cũng như cam kết lâu dài. Gần như sau khi bàn giao thang và kiểm tra tải, doanh nghiệp bán thang không còn “nghĩa vụ” gì với chủ đầu tư.
Thêm vào đó, nhiều chủ đầu tư hiện nay vẫn không chú trọng nhiều tới vấn đề bảo dưỡng cho sản phẩm của mình. Trên thực tế, vai trò của chủ đầu tư và nhà sản xuất thang máy là 50-50, nếu bên sản xuất thang máy đảm bảo về lắp đặt, thông số kỹ thuật, độ an toàn, thì chủ đầu tư phải đảm bảo vận hành đúng cách và tiến hành bảo trì thường xuyên.
“Nhiều chủ đầu tư sau khi lắp đặt xong thang máy thì không quan tâm đến việc bảo trì thường xuyên. Bình thường một chiếc thang máy đòi hỏi phải bảo trì từ 1 hoặc 2 tháng/lần nhưng nhiều người chỉ gọi thợ đến sửa mỗi khi có sự cố. Điều này rất nguy hiểm vì họ không biết rằng nếu qua một thời gian sử dụng, dây cáp sẽ dão đi, các thiết bị khác sẽ bị hư hỏng, rất nguy hiểm cho người sử dụng”, ông Đức cho biết.
Quốc Dũng (theo Tri Thức Trẻ)
Phương Pháp Cứu Hộ Khẫn cấp09/06/2016 Thang Máy Cách Bảo Quản09/06/2016 Quản Lý Và Sử Dụng Thang Máy09/06/2016 TP HCM mua lại trên 1.000 căn hộ phục vụ tái định cư20/05/2017 Chung cư không thang máy: nhiều giải pháp khắc phục26/05/2017 Thang máy thương hiệu Việt: Cần có chính sách hỗ trợ26/05/2017